Kêu trời vì… giấy thông cung
Hồ sơ CQ CSĐT CA tỉnh Bình Thuận thể hiện: Ngày 22-6-1999, đồng chí Nguyễn Duy Cảnh là cán bộ bảo vệ nhà tạm giữ CA Hàm Thuận Bắc, thông qua kiểm soát hành chính đã phát hiện phạm nhân tự giác Nguyễn Thị Kim Lan giấu một lá thư của Nguyễn Thị Lâm gửi cho Trần Văn Sáng (nội dung số trước đã đưa).
Trước đó ngày 10-6-1999, Nguyễn Thị Lâm đã kể nội dung vụ án giết và cướp tài sản của Dương Thị Mỹ cho Nguyễn Thị Kim Lan nghe và nhờ chị Lan viết thư thông cung gửi về cho Sáng với nội dung: “Sáng con, má đã nói thật chuyện gia đình mình với cô Lan ở cùng phòng với má. Cô Lan đến con cứ nói thật cô Lan có người nhà làm lớn, mình nhờ cô ấy lo giùm”.
Tất cả các tài liệu nêu trên, CQ CSĐT đã gửi giám định và ngày 08-10-1999 Tổ chức giám định KTHS đã có kết luận chữ viết trong thư gửi Sáng và chữ viết trong bản tự khai của Nguyễn Thị Lâm do một người viết ra.
Ngày 10-7-1999, phạm nhân Nguyễn Thị Kim Lan cũng đã có đơn tố cáo hành vi giết, cướp tài sản của công dân, do Nguyễn Thị Lâm và gia đình thực hiện.
Ngày 20-7-1999 anh Lê Bá Hải là phạm nhân cùng phòng với Nguyễn Văn Tiền đã có đơn tố cáo hành vi giết người của Nguyễn Văn Tiền và đồng bọn như sau: Trước khi xảy ra vụ án, Sáng là anh rể của Tiền có quan hệ tình ái với Dương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Nhung là chị ruột của Tiền (là vợ Sáng) phát hiện nên gọi Tiền và những người khác trong gia đình Tiền tham gia đánh ghen bà Mỹ, quá trình xảy ra vụ án cả gia đình Tiền tham gia nhưng trực tiếp đánh là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Thị Nhung. Cũng trong quá trình điều tra, phạm nhân Lê Ngọc Lãng là phạm nhân tự giác được giao đưa cơm cho Trần Thanh Vân ở buồng giam, ngày 05-10-1999 đã có đơn tố cáo Trần Thanh Vân thông cung với Nguyễn Văn Tiền như sau:
Ngày 20-9-1999, Lê Ngọc Lãng hỏi Vân: “Mày có phải là Tý chung vụ với Tiền không? - Tý (Vân) trả lời “đúng”. Lãng nói: “Ông Tiền hỏi mày có khỏe không, hình như ông ấy khai rồi”. Lúc đó Vân tái mặt và nhờ Lê Ngọc Lãng nói lại với Nguyễn Văn Tiền rằng: “Nằm im, đừng có khai gì hết, phận ai người đấy lo, cứ yên tâm, 03 tháng nữa sẽ về”. Ngày hôm sau, Trần Thanh Vân cho Lê Ngọc Lãng một chiếc quần dài để Lãng giúp đỡ việc thông cung.
Ngày 14-10-1999, Trần Thanh Vân nhờ Huỳnh Quang Sáng là phạm nhân tự giác chuyển một lá thư cho Nguyễn Văn Tiền thì bị phát hiện bắt giữ (nội dung số trước đã đưa).
Tài liệu trên, CQĐT đã gửi giám định. Ngày 11-11-1999, phòng KTHS CA Bình Thuận đã có Kết luận số 137/TBGĐ kết luận: “Chữ viết trên thư gửi cậu Tiền, viết bằng bút bi xanh trên giấy học sinh, không đề ngày tháng năm với chữ viết trong bản khai ghi họ Trần Thanh Vân, viết bằng bút bi lục xanh trên giấy trắng ngày 18-10-1999 là do chữ của một người viết ra”.
Ngoài ra, ngày 10-11-1999 anh Trần Anh Tuấn là phạm nhân giam cùng phòng với Trần Thanh Vân cũng đã có đơn tố cáo Trần Thanh Vân và gia đình y đã trực tiếp gây án giết, cướp tài sản của bà Dương Thị Mỹ. Quá trình điều tra bị can Trần Thanh Vân cũng đã thừa nhận vụ án giết và cướp tài sản của Dương Thị Mỹ là do mẹ, bà và các cậu của y gây ra nhưng y không trực tiếp tham gia.
Về những bản thông cung này, các bị cáo đã kêu oan khắp nơi cho rằng bị ép phải viết.
Bí mật của Huỳnh Văn Nén
Ông Huỳnh Văn Truyện (bố đẻ Nén) đã có thư gửi tới các cơ quan chức năng kêu cứu.
“Tôi khẩn thiết kêu oan cho con là Huỳnh Văn Nén, vừa bị TAND tỉnh Bình Thuận kết tội giết người. Chữ nghĩa ít, kiến thức pháp luật hạn hẹp, không đủ sức minh oan cho con, tôi chỉ trông cậy vào luật sư nhưng luật sư do TAND tỉnh Bình Thuận chỉ định lại thiếu lương tâm, quá vô trách nhiệm, đã bỏ qua quyền kháng cáo của con tôi, không còn tin vào luật sư do tòa Bình Thuận chỉ định nữa, gia đình tôi nhờ luật sư riêng thì TAND tỉnh Bình Thuận đã tìm mọi cách cản trở…”.
Cả xã ai cũng biết Nén là đứa bị “mát”, dở người, chưa học hết được lớp 2. Vậy mà năm 1998 lại bị CA tỉnh Bình Thuận bắt giam về tội giết bà Lê Thị Bông để lấy một chỉ vàng. Suốt từ ngày bị bắt 17-5-1998 đến nay, gia đình không được phép gặp mặt.
Ngày 31-8-2000, tòa án mới đưa Nén ra xét xử nhưng gia đình cũng không được biết. Trước khi phiên toà mở mấy ngày, có người đã viết đơn tố cáo những kẻ giết bà Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt (Chín điếc) đã bỏ trốn nhưng không có cơ quan nào xem xét. Toà xử Nén tù chung thân. Biết rõ con mình bị oan nhưng vì tăm tối ít chữ, không hiểu kháng cáo là thế nào nên tôi tìm đến bà luật sư Nguyễn Ngọc Ký, người mà TAND tỉnh Bình Thuận chỉ định bào chữa cho Nén nhưng bà luật sư này có lẽ thấy gia cảnh tôi quá nghèo nên nhẫn tâm, thờ ơ, vô trách nhiệm đã không bào chữa gì mà còn quên luôn cả quyền kháng cáo kêu oan của Nén.
Phiên phúc thẩm diễn ra ngày 5-4-2002 tại Bình Thuận
có nhiều người dân tới dự Tôi khẩn cầu với quý cấp quan tâm, xem xét cho con tôi có được một luật sư riêng, do gia đình tôi mời, theo đúng quy định của pháp luật, để nếu không được giải oan, cứ bị TAND tỉnh Bình Thuận khép vào tội chết, con tôi vẫn được hưởng sự công bằng trước pháp luật”.
“Kỳ án vườn điều” có quá nhiều nỗi đau khiến đại biểu Quốc hội cũng phải có đơn thư đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng vụ việc. Bị cáo Nguyễn Thị Nhung khi chết đã để lại tấm chúc thư đầy trách oán. Trong đám tang của Nguyễn Thị Nhung, lãnh đạo CQĐT CA tỉnh Bình Thuận đã đến viếng, chia buồn với gia đình…
Quang Thu - Quang Khởi
Pháp luật & xã hội