Bước ngoặt
Kêu oan ở Bình Thuận không ăn thua, gia đình các bị can cầu cứu sự giúp đỡ từ những mạnh thường quân ở tỉnh khác. Một trong những mạnh thường quân ấy là ông Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An. Sau khi xem xét kỹ lưỡng đơn kêu cứu từ gia đình các bị can, ngày 18-12-2000, ông Thước đã có thư gửi Viện trưởng Viện KSND Tối cao, xin trích nguyên văn nội dung:
“Kính gửi: Đồng chí Viện trưởng VKSND Tối cao
Tôi nhận được một lá thư ngỏ về việc oan sai của 10 công dân vô tội ở Bình Thuận (gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cá nhân tôi).
Tuy đã gửi tới các đồng chí lãnh đạo nhưng thấy sự việc liên quan đến các cơ quan pháp luật và nếu như những nội dung trong thư là đúng theo tinh thần của Quốc hội và ý kiến đồng chí Viện trưởng tại các kì họp cần được xem xét, nếu sai thì phải được minh oan, do vậy tôi xin chuyển đến đồng chí Viện trưởng để cho kiểm tra xác minh và có kết luận (chắc chắn hồ sơ đã có tại quý Viện).
Bà Nguyễn Thị Lâm đang đối chất trước tòa
Vừa qua có nhiều đơn khiếu nại nhưng khi cơ quan pháp luật cấp trên xem xét vẫn cứ lấy những chứng cứ cũ của cơ quan xét xử cấp dưới mà đương sự cho là chứng cứ giả (không thật), đương sự không được xuất trình chứng cứ chứng minh sự đúng đắn của khiếu nại nên sau khi có kết luận, trả lời, đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Do vậy, đề nghị đồng chí Viện trưởng khi xem xét lại, cần cho đương sự trình bày những chứng cứ thật (theo đương sự) để đối chứng, kết luận.
Bức thư ông Thước gửi tới Viện KSND Tối cao ít nhiều đã có tác dụng. Để rồi thời gian sau đó, các bị can được tạo điều kiện đưa ra các chứng cứ mới tại tòa nhằm bác bỏ những chứng cứ mà họ cho là giả, bị ép phải nhận. Đây có thể nói là bước ngoặt trong hành trình giải oan của các bị can trong “Kỳ án vườn điều”.
“Chuyện bịa đặt…”
Sau mười bốn tháng bị cơ quan tiến hành tố tụng tạm giam, chị Nguyễn Thị Nhung mắc bệnh hiểm nghèo ung thư tử cung, được đưa vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chữa trị. Trong quá trình điều trị, bệnh viện phát hiện trong người chị Nhung có vô số bệnh khác, mà tất cả những bệnh ấy đều khó chữa, đều dồn chị Nhung đến con đường chết.
Trả lời câu hỏi của các PV, nhà báo về nội dung kết luận điều tra, chị Nhung cho biết: “Không đời nào có chuyện chồng tôi ngoại tình với bà Mỹ. Nếu anh ấy phụ bạc tôi thì thiếu gì người mà lại quan hệ với người đàn bà có 7 con, đã có dâu, rể lại kém nhan sắc? Còn nói tôi giặt quần áo cho chồng rồi phát hiện lá thư bà Mỹ gửi là chuyện bịa đặt. Tôi bán hàng ăn tối ngày bận nên quần áo chồng con đều do em tôi giặt cả. Vào lúc 9g sáng khách vẫn còn đông, tôi không thể bỏ khách để đi giặt quần áo…”.
Sau một thời gian điều trị, biết mình không qua khỏi, chị Nhung viết bản chúc thư để lại, nội dung đầy trách móc:
“Tôi tên Nguyễn Thị Nhung (SN 1957, trú tại xóm 4, thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Nay tôi bị bịnh ung thư tử cung đang nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Trước đây cơ quan CA điều tra tỉnh Bình Thuận bắt oan sai, tạm giam tôi tại CA tỉnh, cán bộ điều tra đã dùng biện pháp bức cung, nhục hình, tra tấn, đánh đập tôi tàn bạo, dã man trong trại giam.
Điều kiện sinh hoạt, tôi mắc phải bịnh ung thư tử cung, nay sức khỏe tôi bị suy kiệt, hơi thở sắp lụi tàn, tôi diết (viết – tác giả) di chúc nầy để lại toàn bộ cho người thân trong gia đình. Trước khi tôi nhắm mắt xuôi tay, kính gửi cha mẹ ruột, cha mẹ chồng, nội ngoại, người thân và chồng Trần Văn Sáng thực hiện nguyện vọng của tôi như sau (trích):
Tài sản gia đình trước đây đã bán nhà, đất, xe để đi kiện, nay còn lại phải vơ vét toàn bộ dù nghèo, đói, rách, chồng tôi Trần Văn Sáng và toàn bộ người thân trong gia đình cũng phải đội đơn đến Quốc hội gặp lãnh đạo cao nhứt để minh oan giải quyết cho tôi, khi đó linh hồn tôi mới siêu thoát, thanh thản ra đi”.
Khi chị Nhung sắp mất, bệnh viện trả về cho gia đình, bà con trong vùng kéo đến thăm hỏi, cho tiền, gạo, rau, thịt, hoa quả. Chị Nhung mất, suốt một ngày đêm, người trong xã mà đặc biệt là dân thôn 1, thôn 2 không sót gia đình nào là không đến phúng.
Chị Nhung mất được bảy ngày thì ông Đinh Kỳ Đáp, Phó Thủ trưởng CQĐT CA tỉnh Bình Thuận, và cán bộ điều tra là ông Cao Văn Hùng đến thăm, có tiền phúng điếu và đưa thư chia buồn.
Theo Pháp luật & xã hội