Trả lời phỏng vấn Dân trí sáng nay (25/5), trao đổi về vấn đề lãi suất, Chuyên gia kinh tế độc lập, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu Chính phủ thực sự kỳ vọng lạm phát cả năm có thể kiềm được ở mức 1 con số thì có thể kéo lãi suất huy động xuống ít nhất là 10% vào thời điểm hiện nay. Hiện mức trần lãi suất huy động đang áp dụng là 12%.
Ông lý giải, vì câu chuyện lãi suất liên quan đến kỳ vọng lạm phát chứ không phải lạm phát tại thời điểm tuyên bố lãi suất.
Luận cứ này hồi tháng 4 đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra với phát biểu của chuyên gia kinh tế về Việt Nam Dominic Melllor: điều quan trọng trong điều hành lãi suất là không nên dựa vào con số lạm phát hiện tại mà phải căn cứ vào kỳ vọng lạm phát.
TS Vũ Đình Ánh đưa ra bốn căn cứ cho đề xuất của mình. Thứ nhất, đã có những dự báo, tính toán lạm phát có thể sẽ xuống thấp trong quý II này và lạm phát cuối kỳ xuống dưới 1 con số là sẽ đến sớm hơn dự tính.
Hai là, nguyên nhân khiến lạm phát thấp chủ yếu do tổng cầu đang chậm lại. Cùng với tình hình trì trệ như hiện nay, do vậy, hướng đi xuống của lạm phát là khá rõ ràng.
Ba là, trước đây, việc kéo giảm lãi suất xuống bị cản trở là do một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản nên tìm mọi cách phá trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này đã được cải thiện hơn rất nhiều, phản ánh thông qua thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu Chính phủ.
Bốn là, hiện nay các kênh đầu tư đều rất khó khăn, sự lựa chọn của những dòng tiền tạm thời nhàn rỗi bị thu hẹp lại rất nhiều. Do đó, khả năng, việc kéo giảm lãi suất huy động xuống cũng sẽ không tác động nhiều đến dòng tiền gửi.
Từ năm 2011, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã đưa con số tổng tiền gửi vào “bí mật” nên cũng không thể đánh giá được tác động của việc hạ lãi suất huy động lên tổng tiền gửi cả hệ thống. Điều này thực ra cũng không thật đáng lo ngại vì theo nhiều thông tin, thậm chí đã xuất hiện tình trạng dư thừa thanh khoản tại một số ngân hàng Việt Nam.
Vì vậy, ngay cả đặt trường hợp xấu là tổng tiền gửi sẽ sụt giảm tạm thời do giảm lãi suất huy động thì cũng chưa chắc đã ảnh hưởng tới hệ thống nói chung – ông Ánh nhận định.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Hạ trần lãi suất huy động nếu làm giảm tổng tiền gửi cũng không gây ảnh hưởng đến hệ thống.
Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất đến thời điểm hiện tại đã được hỗ trợ rất lớn trên mối tương quan giữa lãi suất huy động ngoại tệ và nội tệ hay những biến động tỉ giá…
J.P.Morgan cũng vừa đưa ra dự đoán, nếu tình hình lạm phát tiếp tục tiến triển như kỳ vọng thì dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất, lãi suất thực sẽ vẫn dương.
Tổ chức này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm thêm từ 2-3% trần lãi suất thời gian tới. Lạm phát kỳ vọng trong năm 2012 của Việt Nam dự kiến rơi vào khoảng 8,6%, giảm mạnh so với mức 18,7% trong năm ngoái.
Còn theo Ngân hàng HSBC, do giá xăng dầu tiếp tục đi xuống và nhu cầu vẫn còn uể oải, với tình hình lạm phát giảm nhiều so với dự kiến, tổ chức này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong hai tuần tới.
Đến thời điểm có thể bỏ công cụ trần lãi suất
Trao đổi thêm về công cụ lãi suất, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, các điều kiện vĩ mô cũng như của hệ thống ngân hàng hiện nay đã cho phép NHNN có thể bỏ hẳn trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay.
Khi loại bỏ được trần, thị trường tiền tệ sẽ quay trở lại trạng huống để các ngân hàng thương mại tự quyết định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
NHNN sẽ chỉ thực hiện 2 việc lớn: Sử dụng các công cụ can thiệp mang tính thị trường như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, nghiệp vụ liên ngân hàng, nghiệp vụ thị trường mở và hai là NHNN củng cố được hệ thống thanh tra giám sát của mình để buộc các ngân hàng giải quyết được những vấn đề liên quan đến nợ xấu hay là chất lượng tín dụng.
Trong trường hợp vẫn giữ lãi suất huy động trong bối cảnh diễn ra mức dự kiến lạm phát hiện nay, để tránh sốc cho tiền gửi thì theo ông Ánh, cơ quan điều hành nên kéo thẳng xuống 10% dù hơi muộn, để tạo tiền đề cho một hai tháng tiếp theo sau, khi đã phân tích được tốt hơn về tác động thực tế của chính sách thì có thể tính tiếp đến phương án kéo thêm tiếp xuống 8%.
Như vậy, mức kéo giảm lãi suất hiện tại, hoàn toàn có thể mạnh dạn mỗi lần tỉ lệ 2% chứ không phải là 1% trước đó.
Bích Diệp (Dan tri)