(Dân trí) - Trong vòng 5 năm, tại Nghệ An có hơn 130 trẻ em bị xâm hại tình dục. Theo cơ quan chức năng, trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) xảy ra nhiều ở các độ tuổi từ 5-7 tuổi và từ 12-15 tuổi.
Nhiều trẻ em miền núi cao Nghệ An đã trở thành nạn nhân bị bán vào các động mại dâm, sang Trung Quốc.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, khoảng cuối năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 50 phụ nữ và trẻ em gái ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông bị một số đối tượng lừa gạt bán sang Trung Quốc và trong nước.
Các đối tượng phạm tội thường là người quen biết, cùng quê với nạn nhân, nên hiểu biết rất rõ hoàn cảnh, tâm lý của nạn nhân. Các đối tượng này thường là những chân rết của những đường dây mua bán người, vì hám lợi chúng sẵn sàng rủ rê lôi kéo “người quen” của mình và đem bán.
Thủ đoạn mà chúng đưa ra là một công việc lý tưởng, với mức thu nhập cao, khiến người dân hy vọng sẽ “đổi đời” mà nghe theo. Có một số gia đình đã nhận tiền sau khi con đi Trung Quốc từ 20 - 30 triệu đồng/người.
Những năm qua, tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn Nghệ An có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Trẻ bị xâm hại tình dục xảy ra chủ yếu ở các huyện miền núi và vùng sâu vùng xa.
Từ năm 2005 - 2010 toàn tỉnh Nghệ An có 130 trẻ em gái bị XHTD. Các em bị xâm hại dưới nhiều hình thức như hành hạ, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, buôn bán, bắt cóc trẻ em... và tính chất tội phạm cũng ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội, dư luận.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết là do các bậc cha mẹ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính và giới với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh sự XHTD.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh, internet, các trang mạng, trò chơi game online… đã tác động đến trẻ em, kích thích sự tò mò, muốn biết, muốn thử nghiệm.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đến con em, đã phó thác trách nhiệm cho nhà trường trong việc quản lý con em mình. Bên cạnh đó, nhiều trường học chưa thực hiện tốt trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành y tế để làm tốt công tác tuyên truyền. Đó là chưa kể sự lỏng lẻo và những khoảng trống trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đã gây bất cập trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, nhận tố giác từ trẻ em; pháp luật cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực; hoặc ngay cả khi có Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc...
Trước những thực trạng trên, Hội đồng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo hội đồng đội các cấp tích cực chủ động công tác tuyên truyền, nhất là trong các liên đội trường học, chỉ đạo các giáo viên tổng phụ trách, anh chị phụ trách phải phối hợp chặt chẽ với các đội tuyên truyền Măng non xây dựng những bài tuyên truyền cụ thể với các nội dung chỉ rõ việc phòng tránh để các em tự bảo vệ mình và cảnh báo các bậc cha mẹ, nhà trường.
Để giảm thiểu và ngăn chặn tối đa tình trạng trẻ em bị xâm hại và bạo lực, ngành giáo dục cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, các trường học làm tốt công tác này và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật xứng đáng.
Nguyễn Duy