Mua nhà bằng vàng, nhưng khi giải toả thì được đề nghị đền bằng tiền. Câu chuyện giằng co giữa 32 hộ dân tại khu nhà 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức với chính quyền cuối cùng cũng đã có đầu ra: đổi nhà lấy nhà. Tuy nhiên, bao giờ người dân mới nhận được nhà thì không ai trả lời chính xác, trong khi họ liên tục bị thúc giục phải bàn giao mặt bằng cho dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài.
Dãy nhà trên trước đây thuộc dự án khu dân cư do công ty Dịch vụ và phát triển nhà quận 1 bán cho dân và thanh toán bằng vàng. Tuy nhiên, ở mới được sáu năm, tức đến năm 2006, cả dự án này bị đưa vào diện giải toả lấy mặt bằng để làm đường.
32 căn nhà mua bằng vàng chưa được người dân bàn giao vì nhà tái định cư chưa có. Ảnh: Đào Lê |
Lòng vòng đổi chác
“Nói ra không ai tin. Năm 2000, tôi đã bỏ ra 120 lượng vàng để mua căn nhà này, ở chưa đầy sáu năm, tôi phải đi thuê chỗ khác để ở tạm. Nhìn ngôi nhà ba tầng lầu – khối tài sản tích cóp cả đời xuống cấp nghiêm trọng mà không thể sửa chữa để vào ở cho an toàn được, nhiều khi rơi nước mắt”, ông Lê Ngọc Bình, chủ hộ 276 Kha Vạn Cân, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, chia sẻ.
Theo ông Bình, thời điểm năm 2006, 32 hộ đã đồng loạt kiến nghị các cơ quan chức năng nếu giải toả thì phải đền bằng vàng hoặc nhà đổi nhà. “Giằng co suốt hai năm, đến ngày 20.8.2008, UBND thành phố đã chấp thuận phương án nhà đổi nhà. Lúc này người dân chúng tôi mừng lắm”, ông Bình chia sẻ. Tuy nhiên, chỉ sau đó hai tháng, vào ngày 24.10.2008, UBND thành phố đã điều chỉnh chủ trương trên bằng cách đổi nhà lấy nền đất tái định cư. Từ đây, 32 hộ dân đi khiếu kiện khắp nơi.
“Không khiếu kiện sao được. Năm 2010, tôi được chính quyền thông báo mức đền bù căn nhà một trệt, hai lầu, một lửng này là 1 tỉ đồng. Ở thời điểm này, nếu quy ra vàng thì số tiền đền bù chỉ bằng 1/3 số vàng mua nhà ban đầu mà tôi bỏ ra là 100 cây. Rồi chính quyền còn thông báo, nếu bàn giao mặt bằng, mỗi hộ được tái định cư bằng nền đất tại khu 7/4A Kha Vạn Cân. Như vậy, nếu chấp nhận, ngoài việc người dân chúng tôi lâm vào cảnh vừa mang nợ vàng lúc mua nhà chưa trả xong, vừa không đủ tiền để xây nhà mới”, ông Nguyễn Văn Sinh, chủ nhà số 2/2/11 trong khu nhà 97 Kha Vạn Cân phân tích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước phản ứng của người dân, ngày 8.11.2011, phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín đã chủ trì họp với các sở, ngành và quận Thủ Đức và thống nhất thực hiện phương thức tái định cư khu nhà 97 Kha Vạn Cân là “nhà đổi nhà”.
Bao giờ?
Theo ông Lê Ngọc Bình, quyết định của UBND thành phố chưa ráo mực, bất ngờ vào sáng ngày 14.3.2012, hơn chục người thuộc lực lượng giải toả của quận Thủ Đức gồm thanh tra xây dựng, công an phường và ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đến đòi đập nhà dân. “Bị chúng tôi chống đối, hỏi quyết định cưỡng chế đâu thì các cán bộ trên nói: chúng tôi không cần phải giải thích, có gì thì cứ lên quận hỏi?!”, ông Bình cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, dù việc đập nhà không thể thực hiện được vì dân chống đối nhưng việc làm trên của chính quyền Thủ Đức là hoàn toàn trái với các quyết định của UBND thành phố, cũng như trái quy định đền bù giải toả. “Họ đã có nhà tái định cư đâu mà bắt chúng tôi phải giao nhà”, ông Sinh bức xúc.
Ông Sinh còn biết thêm, ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, vào đầu tháng 4.2012, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức có mời các hộ dân trong khu nhà 97 Kha Vạn Cân lên vận động với nội dung: Các hộ dân nên chấp nhận giải toả để đi ở tạm cư, vì hiện tại khu tái định cư được xây dựng theo hình thức “nhà đổi nhà” đã hoàn thiện phần móng và cuối năm 2012 sẽ bàn giao nhà cho bà con!
Tương tự, trong một báo cáo gửi ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố ngày 7.5.2012, UBND quận Thủ Đức cũng nói rằng khu tái định cư 7/4A dự kiến xây dựng trong chín tháng. Hiện tại quận đang đôn đốc ban quản lý dự án quận sớm hoàn thiện khu tái định cư 7/4A.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận thực tế của phóng viên vào ngày 12.6, khu tái định cư này chỉ toàn cây cỏ um tùm, không một bóng người thi công.
Theo SGTT.VN