Từ việc dân mượn tạm đất để kinh doanh vẫn được đền bù, doanh nghiệp “phá sản” vì bị thu hồi đất, cán bộ TAND thị xã “ăn” cả trăm triệu đồng của doanh nghiệp để “xử” UBND thị xã thua kiện...
Năm 2006, Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án xây dựng cầu Khe Tọ nay thuộc khối Tân Thắng, phường Hòa Hiếu (trước đây thuộc xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn). Dự án này buộc phải thu hồi hàng nghìn m2 đất của các hộ dân sống bên cầu Khe Tọ.
Tuy nhiên, trong số các hộ dân bị thu hồi đất có những hộ chỉ mượn đất, cụ thể là từ năm 2002 và 2003, có 12 hộ dân ở khối Tân Thắng, phường Hòa Hiếu có làm đơn xin mượn đất hoang gần cầu Khe Tọ (nguyên là đất của Lâm trường Sông Hiếu dùng làm bãi tập kết gỗ nay đã giải thể và trả đất cho địa phương) và được chính quyền đồng ý. Trung bình mỗi hộ chỉ được mượn 10m2 để kinh doanh nhỏ lẻ nhưng về sau đều lấn chiếm, có hộ lấn chiếm hơn 1.000m2.
Sau khi dự án được phê duyệt, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng được thành lập, việc thẩm tra để làm công tác đền bù được thực hiện công khai dân chủ. Giữa tháng 3/2009, UBND phường Hòa Hiếu cùng Hội đồng giải phóng mặt bằng đã có buổi làm việc với nhân dân khối Tân Thắng để lấy ý kiến và sau đó ngày 23/3/2009, UBND phường Hoà Hiếu có Thông báo số 09 khẳng định: 12 hộ dân mượn đất tại khu vực Lâm trường Sông Hiếu cũ đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân vô tư xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đã được đền bù
Các hộ trên đều có giấy cam kết với chính quyền mượn đất để sản xuất, kinh doanh, khi Nhà nước thu hồi sẽ trả lại không hỗ trợ đền bù. Các hộ mượn đất đều đã có đất ở trong khu vực dân cư thuộc địa bàn phường. Thông báo này đều được quần chúng nhân dân trong khối thống nhất cao vì mượn rồi trả là lẽ thường tình.
Thông báo của UBND phường là thế, nhưng không hiểu sao Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn quyết định đền bù cho các hộ dân mượn đất này. Theo đó, 8 hộ dân mượn đất và lấn chiếm đất được đền bù hàng trăm triệu đồng. Khi mượn đất các hộ chỉ mượn 10m2 nhưng khi được đền bù đều có diện tích trên dưới 100m2.
Kỳ cục hơn, trong các hộ được đền bù có 4 hộ được đền bù 100% đất và được tái định cư; 4 hộ được đền bù một phần nhưng không chịu bàn giao mặt bằng, vẫn ở lại trên đất và xây dựng nhà kiên cố; 4 hộ không được đền bù đang có đơn kiến nghị gửi các cấp.
Ví dụ như hộ ông Hồ Thanh Phúc cũng mượn đất, được đền bù thu hồi đất 32 triệu đồng, diện tích trên 1.000m2 ông lấn chiếm lại được UBND thị xã công nhận là đất do mẹ để lại. Kỳ lạ là ngay trong buổi lấy ý kiến của người dân khối Tân Thắng có cả ông Nguyễn Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa là Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cầu Khe Tọ nhưng hình như ông Dương đã phớt lờ ý kiến của nhân dân.
Thấy việc chi trả đền bù sai, gây thất thoát tiền của Nhà nước, một số người dân khiếu nại và được trả lời bằng Thông báo số 89 ngày 31/7/2009 do Chánh Văn phòng UBND thị xã Thái Hòa Trần Hưng Long ký tên đóng đấu. Thông báo khẳng định: “Về nguồn gốc sử dụng ổn định, liên tục lâu dài không có tranh chấp, Hội đồng GPMB chi trả cho các hộ theo hồ sơ là đúng pháp luật”.
Trước thông báo trên, chi bộ, khối trưởng, thanh tra nhân dân và nhân dân khối Tân Thắng bức xúc gửi đơn kiến nghị, chính quyền thị xã đã phớt lờ ý kiến của nhân dân, được thể hiện qua Thông báo 09 của UBND phường Hòa Hiếu thì được cấp trên trả lời: Thông báo số 09 của UBND phường Hòa Hiếu là không chính xác do nhầm lẫn về mặt thời gian sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất là ổn định liên tục, không có tranh chấp. Sự nhầm lẫn trên là do lỗi đánh máy.
Hiện nay, dư luận quần chúng nhân dân đang rất bức xúc vì những khuất tất trong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho 12 hộ dân mượn đất của UBND thị xã Thái Hòa trước đây. Người dân đã có nhiều đơn kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết luận cuối cùng. Người dân cứ kiện, chính quyền cứ im lặng, người dân lấn chiếm đất vô tư xây dựng nhà kiên cố là thực trạng buồn ở phường Hòa Hiếu. Thực trạng bắt nguồn từ những khuất tất phía sau dự án mở rộng cầu Khe Tọ.