Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Tại New York, giá giao dịch chốt ở mức 83,24 USD/thùng, giảm 3 cent so với đầu ngày. Trên sàn London, dầu thô Brent giao tháng 8 cũng hạ thêm 1,56 USD về mức 96,05 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất kể từ ngày 25/1/2011.
Giá xăng bán lẻ đã có thể để giảm tiếp (Ảnh: Internet)
Sở dĩ giá dầu tiếp tục sụt giảm là do những lo ngại về tình hình nợ của Tây Ban Nha (TBN) vẫn chưa có lời giải, khiến các nhà đầu tư lo sợ rằng kinh tế EU sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều khả năng trong phiên đấu giá trái phiếu ngày hôm nay và thứ Năm tới, TBN sẽ phải trả mức lãi suất cao kỷ lục để được vay vốn. Ngoài ra, sự lên giá trở lại của đồng USD so với Euro cũng khiến giá dầu sụt giảm.
Không nằm ngoài xu hướng của giá dầu thế giới, giá xăng A92 giao ngay FOB tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp đà lao dốc. Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá xăng chỉ còn ở mức 101,62 USD/thùng, giảm 0,96% so với phiên trước đó. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ ngày 31/12/2010 đến nay.
Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng nhập khẩu đã giảm 12,83 USD/thùng, tương đương mức giảm 11,2%. Còn so với thời điểm giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 22.700 đồng/lít xuống còn 21.900 đồng/lít thì giá xăng A92 nhập khẩu đã hạ thêm gần 5%.
Rõ ràng đây chính là những yếu tố rất thuận lợi để giảm giá xăng bán lẻ trong nước mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các bên liên quan, đúng như nguyên tắc điều hành giá xăng dầu mà Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng trả lời báo giới đó là: hài hòa lợi ích của các bên Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Qua 6 tháng đầu năm, giá xăng đã tăng 2 lần vào các ngày 7/3 và 20/4 với tổng mức tăng 3.000 đồng. Sau đó do giá nhập khẩu liên tục giảm, giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm 3 lần vào các ngày 9/5, 23/5 và 7/6. Tuy nhiên tổng mức giảm chỉ là 1.900 đồng.
Theo Bloomber