Sáng 1-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông, về việc thực hiện Nghị định 09/2017 ngày 9-2-2017 quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định 09 có hiệu từ ngày 30-3-2017.
Phóng viên: Thưa ông, UBND TP HCM có quy định ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí. Thế nhưng hiện nay, nhiều đơn vị không thực hiện và không bị chế tài. Vậy có ổn?
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại: Tất nhiên sẽ bị chế tài về mặt công vụ, anh làm không tốt thì sẽ bị xử lý bình thường. Luật đã quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm công vụ của cơ quan nhà nước. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì chịu trách nhiệm về mặt hành chính. Phóng viên có tin rất hay mà không đưa. Đó là sở A, sở B 3 tháng không tổ chức họp báo. Nếu có việc này thì giám đốc mấy sở đó sẽ bị chế tài, xử lý, phê bình. Bởi vì báo chí không đưa tin, phản ánh nên người ta không biết để chế tài.
Ông có thể nói rõ hơn chế tài như thế nào?
Chế tài đó là xử lý kỷ luật. Chế tài nặng nhất là người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị cách chức, nhẹ thì phê bình. Chế tài theo quy định pháp luật nó là như thế.
Ông Lê Văn Nghiêm trả lời phóng viên Báo Người Lao Động sáng 1-6 (Ảnh: Quang Huy)
Cụ thể trường hợp nào bị cách chức, thưa ông?
Đó là cố tình không thực hiện theo Nghị định 09 - tức không thực hiện quy định của pháp luật, yêu cầu làm mà anh không làm, nhắc rồi không làm.
Nếu có đơn vị nào đó từ chối phát ngôn trái luật, báo chí nên đưa thông tin. Mức độ chế tài sẽ tùy trường hợp cụ thể mà xử lý đúng người, đúng tội. Đơn vị nào cố tình 1 lần thì nhắc nhở, phê bình, lần thứ 2 thứ 3 và chây ì không làm thì xử thôi. Vấn đề là báo chí mình trước giờ ít giám sát chuyện này. Đơn vị nào không thực hiện theo Nghị định 09 thì sẽ xử lý.
Trường hợp phóng viên gọi điện, nhắn tin trong giờ hành chính nhưng không được cơ quan chức năng hồi âm, "rơi vào im lặng"?
Nếu gặp trường hợp này, phóng viên đến trực tiếp văn phòng đơn vị đó đăng ký làm việc. Lúc đó, xem đơn vị đó xử lý như thế nào. Lúc bấy giờ người ta không tiếp mình mới xử lý, chứ nhiều khi gọi điện người ta nói nghẽn mạng là thua rồi, quên điện thoại ở nhà cũng thua.
Khi người phát ngôn hoặc người cung cấp thông tin sai, báo chí đưa thông tin đó lên mặt báo thì báo chí có phải chịu trách nhiệm không?
Báo chí không phải chịu trách nhiệm nếu đăng đúng lời người phát ngôn hoặc người cung cấp thông tin. Người nào cung cấp thông tin sai thì người đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải nhà báo. Nhà báo có ghi âm, ghi hình, nói đúng tinh thần như người cung cấp thông tin thì không phải chịu trách nhiệm.
Đừng ngại gặp gỡ báo chí Người phát ngôn của UBND TP HCM, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, khẳng định ở một TP hơn 10 triệu dân như TP HCM, chính quyền TP làm tốt công tác báo chí tức là đã chủ động làm tốt công tác định hướng dư luận, nhiều vấn đề nóng của TP nhờ kênh thông tin báo chí để làm cho người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của người dân TP trong việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ông Hoan cũng cho rằng các cơ quan nhà nước đừng ngại gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí, mà phải gặp gỡ thường xuyên như là một người bạn của các cơ quan nhà nước, như là cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền TP đưa những thông tin của TP đến với người dân. "Từ đó chúng ta hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những băn khoăn vướng mắc của nhân dân TP để chúng ta có những giải pháp khắc phục tốt hơn, để mọi người dân TP ngày càng có cuộc sống tốt hơn"- ông Hoan nói. N.Phan |
PHAN ANH thực hiện
Theo Người lao độn