Ernesto Arturo Miranda là tên tội phạm chuyên nghiệp. Từ năm tuổi 12, hắn đã phải “ra tù vào tội” với nhiều tội danh như trộm xe, ăn cắp và xâm hại tình dục.
Ngày 13/3/1963, ở tuổi 22, Miranda bị cảnh sát quận Phoenix (Mỹ) tạm giữ để thẩm vấn sau khi người anh trai của nạn nhân bị bắt cóc và hiếp dâm trông thấy hắn trên một chiếc xe tải có biến kiểm soát trùng với mô tả của em gái.
Ở đồn, sau khi được cảnh sát cho biết mình đã bị nạn nhân nhận diện, Miranda nhận tội.
Sau đó, Miranda được dẫn tới một căn phòng kín và phải ngồi viết lại bản thú tội của mình ra giấy, trên tờ giấy có in sẵn dòng chữ: “…Lời khai của tôi hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và tự do ý chí, tôi không hề bị đe dọa, ép buộc hoặc được hứa hẹn vô tội, tôi nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình và hiểu rằng bất cứ phát ngôn nào của tôi đều có thể và sẽ được dùng để chống lại tôi”.
Tuy nhiên, Miranda chưa bao giờ được cho biết hắn có quyền giữ yên lặng hoặc có quyền được gặp luật sư.
Vụ việc được đưa ra tòa và rất dễ đoán, Miranda bị Tòa kết án phạm tội hiếp dâm và tuyên án phạt 30 năm tù. Tuy nhiên, luật sư được Tòa chỉ định của Miranda lại quyết tâm kháng án ra trước Tòa Tối cao.
Năm 1965, trong phán quyết có tính cột mốc của mình, Tòa án Tối cao Mỹ nhất trí rằng một nghi phạm có quyền được giữ im lặng, và công tố viên không được dùng lời nói của họ khi bị cảnh sát bắt giữ làm bằng chứng, trừ phi cảnh sát đã cho nghi phạm biết quyền lợi của mình. Theo đó, Enersto Miranda được trả tự do.
Tuy nhiên cuối cùng, Ernesto Miranda cũng không thoát được lưới trời. Một thời gian sau khi vụ kiện ban đầu kết thúc, công tố viên lại một lần nữa truy tố với Miranda. Lần này, họ không dùng tới lời cung thú tội của hắn mà sử dụng một bằng chứng kết tội khác: Lời khai của Twila Hoffman - người phụ nữ sống chung cùng Miranda lúc đó.
Miranda bị tòa tuyên án 30 năm tù, ngồi tù 11 năm và được ra tù vào 1976. Bốn tuần sau khi ra tù, hắn bị đâm chết trong một cuộc ẩu đả tại quán bar.
Và cũng từ vụ kiện gây nhiều tranh cãi này, quyền im lặng được chính thức ghi nhận trong pháp luật Mỹ.
Quyền im lặng là gì?
Quyền im lặng là một nguyên tắc pháp lý trao cho bất cứ cá nhân nào quyền từ chối trả lời câu hỏi do cảnh sát hoặc nhân viên tòa án đặt ra, trước hoặc trong giai đoạn tố tụng hình sự. Đồng thời, quyền này cũng yêu cầu thẩm phán hay bồi thẩm đoàn không được phép đưa ra suy đoán theo hướng bất lợi cho bị đơn từ sự im lặng của họ.
Để thực hiện quyền im lặng, nghi phạm không đơn giản chỉ là “im lặng”. Một số bang yêu cầu nghi phạm phải lên tiếng xác nhận rằng mình đã hiểu quyền lợi của mình trước khi tiến hành thẩm vấn qua câu hỏi : “Sau khi đã cân nhắc quyền lợi của mình, anh có muốn trả lời chúng tôi không?”. Nếu nghi phạm trả lời là “không”, cảnh sát phải dừng việc thẩm vấn cho tới khi nghi phạm thay đổi ý định hoặc triệu tập được luật sư.
Sự im lặng của một người sau khi được cho biết về quyền im lặng của mình không được sử dụng làm bằng chứng chống lại người đó. Tuy nhiên, nếu người này chưa được cảnh báo Miranda mà vẫn giữ im lặng, sự im lặng đó rất có thể sẽ được sử dụng để chống lại người này trước tòa.
Giả sử, một người vô tội bình thường khi bị bắt giữ vì tình nghi giết người đa phần sẽ bộc lộ sự ngạc nhiên và cố gắng đưa ra bằng chứng ngoại phạm để minh oan cho mình. Khi ấy, sẽ là bất thường nếu nghi phạm lại giữ yên lặng sau khi nghe tin mình bị cáo buộc giết người. Việc yên lặng trong khoảng thời gian này lại bị coi là có tính buộc tội.
Ngoài ra, quyền im lặng còn có thể được sử dụng ngay trong quá trình tiến hành xét xử. Một bị cáo có thể từ chối trả lời câu hỏi chất vấn của công tố viên hoặc thẩm phán nếu cho rằng việc trả lời sẽ là tự làm chứng chống lại chính mình.
Nhiều người lập luận rằng hệ thống tư pháp sẽ hiệu quả hơn nếu không có quyền im lặng, và việc ghi nhận quyền này sẽ gây sức ép cho cơ quan điều tra. Nhưng thực tế, nếu xét tới việc cơ quan điều tra đại diện cho quyền lực nhà nước, nếu cơ quan này có thể sử dụng mọi quyền hạn, tận dụng mọi nguồn lực của nhà nước để chống lại một cá nhân ở thế yếu thì quyền lợi của cá nhân đó rất có khả năng sẽ bị xâm hại. Quyền im lặng không giúp kẻ thủ ác thoát tội, trái lại, nó giúp người vô tội không bị hàm oan.
Chính vì tầm quan trọng của nó, quyền im lặng đã được ghi nhận và đảm bảo thực thi ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ… trong đó có cả Việt Nam.
Quốc Đạt
Theo Thoughtco/VnExpress