1. Nhiều thay đổi trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý từ 15/7/2021
Theo Thông tư 03/2021/TT-BTP sửa đổi Thông tư 08/2017/TT-BTP và Thông tư 12/2018/TT-BTP trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, nhiều quy định được thay đổi như sau:
- Rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ và ký hợp đồng với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý từ 15 ngày xuống còn 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ.
- Bổ sung thời hạn kéo dài thời gian ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp có lý do chính đáng không quá 35 ngày kể từ ngày được cấp thẻ.
- Bãi bỏ quy định trước khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức và Sở Tư pháp, cá nhân và Trung tâm phải ký kết phụ lục hợp đồng.
- Thời gian của bài kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý với nội dung viết được kéo dài thêm 60 phút thành 180 phút (hiện hành là 120 phút).
Thông tư 03/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2021.
2. Một số thay đổi trong quy chế tuyển sinh trình độ đại học
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 16/2021/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có hiệu lực thi hành từ 16/7/2021.
Theo đó, Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được sửa đổi với một số điểm mới nổi bật như sau:
Đối với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, khi xét tuyển được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 03 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.
(Hiện hành, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 01 lần bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi)
Bên cạnh đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non chỉ được chọn một trong hai phương thức:
+ Đăng ký trực tiếp trên Phiếu Đăng ký dự thi và Đăng ký xét tuyển;
+ Đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.
Đồng thời, quy định mới yêu cầu cơ sở đào tạo chỉ được sử dụng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi làm căn cứ xác nhận nhập học (đối với thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh).
3. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ VN
Thông tư 42/2021/TT-BTC ngày 04/6/2021 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Theo đó, một số quy định nổi bật về tổ chức và hoạt động của DATC như sau:
- DATC tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và Điều lệ này.
(Hiện hành, tai Thông tư 135/2015/TT-BTC chỉ quy định chung là loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo pháp luật doanh nghiệp).
- Vốn điều lệ của DATC là 6.000 tỷ đồng (Sáu nghìn tỷ đồng), việc điều chỉnh vốn điều lệ của DATC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định tại Điều lệ này.
- Người đại diện theo pháp luật của DATC là Tổng Giám đốc và thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.
Thông tư 42/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 20/7/2021 và thay thế Thông tư 135/2015/TT-BTC ngày 31/8/2015. |