Người thân mất tích bao lâu thì được báo công an? (Ảnh minh họa)
1. Không có tin tức của một người bao lâu thì được báo công an?
Căn cứ quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cá nhân, tổ chức khi phát hiện có thể tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, mọi tố giác, tin báo về tội phạm đều phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng không được từ chối.
Trong đó, ngay khi nhận được tin báo tội phạm thì:
- Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự).
- Công an xã: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Như vậy, hiện nay không có quy định về thời gian một người mất tin tức, mất liên lạc bao lâu thì mới được báo công an. Khi nhận thấy việc mất tích của người thân có dấu hiệu tội phạm, bất thường thì có thể báo công an càng sớm càng tốt để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện điều tra, tìm kiếm.
Lưu ý: Việc trình báo công an không thực hiện tùy ý. Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự có nêu rõ:
Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Do đó, trong trường hợp người nào khi trình báo công an không có căn cứ, sai sự thật có thể chịu các hình thức xử phạt khác nhau. Tùy theo mức độ mà hình thức phạt có thể là xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Khi nào thì một người bị tuyên bố là mất tích?
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, một người bị Tòa án tuyên bố mất tích khi có các điều kiện sau:
- Biệt tích 02 năm liền trở lên;
- Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết;
- Khi có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
(Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.)
Đồng thời, yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích cũng thuộc nhóm các yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Qua đó, trong trường hợp một người không có dấu hiệu phạm tội, không thông qua việc trình báo công an thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể nhờ Tòa án tuyên bố người đó mất tích sau 02 năm liền và không thể liên lạc bằng tất cả biện pháp.